TƯ VẤN HỖ TRỢ – 1001 CÂU HỎI VỀ KHỞI NGHIỆP – PHẦN 1.

“Tại sao phải thành lập doanh nghiệp để khởi nghiệp? Không thành lập doanh nghiệp bạn có thể kinh doanh được không?” – Đây là câu hỏi mà rất nhiều bạn trả đang trong quá trình khởi nghiệp đều băn khoăn, hãy cùng YourOffice tìm câu trả lời cùng bạn nhé! 

Để kinh doanh, bạn không nhất thiết phải thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên việc đầu tư kinh doanh buộc phải luôn được thực hiện dưới một hình thức pháp lý nhất định. Bạn không thể kinh doanh với tư cách cá nhân [1] hoặc sẽ bị phạt dưới nhiều hình thức và mức độ từ cảnh cáo, phạt tiền đến truy cứu trách nhiệm hình sự. Các hình thức đầu tư kinh doanh phổ biến hiện nay bao gồm:

  • Thành lập hộ kinh doanh: Hộ kinh doanh do một cá nhân là công dân Việt Nam hoặc một nhóm người hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng không quá mười lao động, không có con dấu và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh[2].Hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp hoạt động theo quy định của pháp luật doanh nghiệp. Hộ kinh doanh chỉ phù hợp với các mô hình kinh doanh có quy mô nhỏ và sử dụng ít lao động. Việc chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản đối với hoạt động kinh doanh khiến rủi ro khi đầu tư tăng lên. Bên cạnh đó, chế độ thuế khoán trên doanh thu (không phân biệt là lời hay lỗ) cũng là một nhược điểm lớn của mô hình này;
  • Thành lập tổ chức kinh tế: Tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh;
  • Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế;
  • Đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư;

Trong các hình thức trên, thành lập doanh nghiệp để tiến hành hoạt động đầu tư, kinh doanh là mô hình phổ biến nhất bởi những những ưu điểm vượt trội so với các hình thức đầu tư khác. Cụ thể:

  • Doanh nghiệp sẽ bảo vệ các chủ sở hữu thông qua hai lợi thế quan trọng là tính chịu trách nhiệm hữu hạn và tư cách pháp nhân.

Các chủ sở hữu trong doanh nghiệp chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn góp hoặc cam kết góp vào công ty. Bên cạnh đó,doanh nghiệp là một thực thể độc lập, mọi phát sinh tranh chấp, khiếu kiện với các đối tác (nếu có) chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp thay vì chủ sở hữu của nó. Tuy nhiên không phải loại hình doanh nghiệp nào cũng đáp ứng cả hai tiêu chí này. Chẳng hạn như doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh.

  • Giúp bạn tận dụng được các ưu đãi về thuế, điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Khi kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp bạn sẽ được hưởng các ưu đãi, khuyến khích từ Nhà nước ở nhiều lĩnh vực như tiền thuế, tiền thuê đất và các chính sách hỗ trợ khác.Ưu đãi lớn nhất có thể nói đến là thuế, tức doanh nghiệp chỉ có nghĩa vụ đóng thuế thu nhập doanh nghiệp khi kinh doanh có lãi, được khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng. Và nếu doanh nghiệp lỗ thì không phải đóng thuế thu nhập. Ngược lại, hộ kinh doanh phải nộp thuế khoán trên doanh thu từ hoạt động kinh doanh, không phân biệt trong phần doanh thu đó bạn lời hay lỗ.

  • Khả năng huy động vốn và chuyển nhượng vốn sẽ dễ dàng hơn và linh hoạt hơn,…

Pháp luật xây dựng cho các doanh nghiệp chế độ huy động vốn hết sức linh hoạt và cơ chế pháp lý vững chắc cho hoạt động này. Bạn có thể kêu gọi các cá nhân, tổ chức khác cùng góp vốn vào doanh nghiệp dưới nhiều hình thức để mở rộng quy mô, tăng khả năng cạnh tranh, sức mạnh tài chính trước các đối thủ. Ngược lại, nếu không muốn tiếp tục kinh doanh, bạncó chuyển nhượng vốn góp hoặc bán cả doanh nghiệp cho người khác và rút lui dễ dàng.

  • Khả năng tồn tại lâu dài của doanh nghiệp qua thời gian.

Doanh nghiệp hoàn toàn tách biệt với chủ sở hữu. Nếu chủ sở hữu doanh nghiệp không còn tồn tại hoặc chuyển nhượng vốn cho người khác thì doanh nghiệp vẫn tồn tại và không bị ảnh hưởng. Thực tế không hiếm gặp những doanh nghiệp có hàng trăm năm lịch sử được truyền qua nhiều thế hệ.

  • Việc xây dựng doanh nghiệp với quy mô, hệ thống rõ ràng giúp việc quản lý sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn và uy tín trước các đối tác và khách hàng sẽ được nâng lên.

Bạn sẽ thấy phần lớn những đối tác và khách hàng của bạn sẽ là các doanh nghiệp. Những đối tượng này cần cộng tác với những doanh nghiệp có bộ máy tổ chức chuyên nghiệp, rõ ràng và có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, với mô hình hộ kinh doanh bạn không thể sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên và vì vậy khả năng sản xuất, kinh doanh sẽ bị hạn chế.

Với những ưu điểm và sự cần thiết thành lập doanh nghiệp nêu trên, nếu bạn thấy việc kinh doanh có cơ sở thành công thì còn chờ gì nữa. Hãy bắt tay vào xây dựng và sở hữu một doanh nghiệp của chính bạn

[1] Trừ trường hợp cá nhân hoạt động th­ương mại không thuộc đối t­ượng phải đăng ký kinh doanh. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động th­ương mại sau đây:

  • Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các th­ương nhân đ­ược phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
  • Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;
  • Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, n­ước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;
  • Buôn chuyến làhoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc ng­ười bán lẻ;
  • Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
  • Các hoạt động thương mại một cách độc lập, th­ường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.

[2] Điều 66 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp (gọi tắt là Nghị định số 78/2015/NĐ-CP).

Nguồn : Thạc sĩ Luật sư Nguyễn Ngọc Diệp

Call Now

Lên đầu trang