Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tín dụng 2024

Trong năm 2024, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa tiếp cận tín dụng được quy định như thế nào? Hãy cùng YourOffice tìm hiểu các thông tin liên quan dưới đây.

1. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa tiếp cận tín dụng 2024

Căn cứ Điều 8 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa tiếp cận tín dụng 2024 như sau:

– Trong từng thời kỳ, Chính phủ quyết định chính sách hỗ trợ tổ chức tín dụng tăng dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; khuyến khích tổ chức tín dụng cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa dựa trên xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp và biện pháp phù hợp khác; khuyến khích thành lập tổ chức tư vấn độc lập để xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp nhỏ và vừa.

– Doanh nghiệp nhỏ và vừa được cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, tăng cường năng lực quản trị, kỹ năng quản lý, minh bạch hóa tài chính của doanh nghiệp để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng.

– Doanh nghiệp nhỏ và vừa được cấp bảo lãnh tín dụng tại Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Mục 2 của bài viết này.

2. Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa tiếp cận tín dụng 2024

Căn cứ Điều 9 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, quy định về Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa như sau:

(i) Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập.

(ii) Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chức năng cấp bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Việc bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa dựa trên tài sản bảo đảm hoặc phương án sản xuất, kinh doanh khả thi hoặc xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

(iii) Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ bảo lãnh đã cam kết; không được từ chối bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đủ điều kiện được bảo lãnh.

3. Phạm vi bảo lãnh tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tín dụng 2024

Căn cứ Điều 17 Nghị định 34/2018/NĐ-CP, phạm vi bảo lãnh tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tín dụng 2024 bao gồm:

(i) Quỹ bảo lãnh tín dụng xem xét cấp bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tối đa bằng 100% giá trị khoản vay (bao gồm cả vốn lưu động và vốn trung, dài hạn) tại tổ chức cho vay. Căn cứ vào tính khả thi, mức độ rủi ro của doanh nghiệp, dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh và khả năng tài chính của Quỹ, Quỹ bảo lãnh tín dụng xem xét, quyết định cụ thể mức bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

(ii) Bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng bao gồm một trong các trường hợp sau đây:

– Bảo lãnh nghĩa vụ trả nợ gốc khoản vay của bên được bảo lãnh tại các tổ chức cho vay;

– Bảo lãnh nghĩa vụ trả lãi khoản vay của bên được bảo lãnh tại các tổ chức cho vay;

– Bảo lãnh nghĩa vụ trả nợ gốc và nợ lãi khoản vay của bên được bảo lãnh tại các tổ chức cho vay và phải được quy định cụ thể tại hợp đồng bảo lãnh tín dụng.

(iii) Căn cứ vào khả năng tài chính, quản trị điều hành của Quỹ bảo lãnh tín dụng, tính khả thi và mức độ rủi ro của dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh, Quỹ bảo lãnh tín dụng xem xét, quyết định phạm vi bảo lãnh tín dụng quy định tại điểm (ii) nêu trên và phải được quy định cụ thể tại hợp đồng bảo lãnh tín dụng.

Điều 16. Điều kiện để được cấp bảo lãnh tín dụng – Nghị định 34/2018/NĐ-CP

Các đối tượng được bảo lãnh tín dụng quy định tại Điều 15 Nghị định này chỉ được Quỹ bảo lãnh tín dụng xem xét cấp bảo lãnh khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
1. Có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay.
2. Dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh được Quỹ bảo lãnh tín dụng thẩm định và quyết định bảo lãnh theo quy định tại Nghị định này.
3. Có phương án về vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% tham gia dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh tại thời điểm Quỹ bảo lãnh tín dụng thẩm định để xem xét cấp bảo lãnh.
4. Tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, doanh nghiệp không có các khoản nợ thuế từ 01 năm trở lên theo Luật quản lý thuế và nợ xấu tại các tổ chức tín dụng. Trường hợp nợ thuế do nguyên nhân khách quan, doanh nghiệp phải có xác nhận của cơ quan quản lý thuế trực tiếp.
5. Có biện pháp bảo đảm cho bảo lãnh vay vốn theo quy định tại Điều 25 Nghị định này.

Nguồn: thuvienphapluat.vn

Call Now

Lên đầu trang